"Khoe chân dài" không đúng chỗ Thư giãn - Đến giảng đường không chỉ để nghe giảng, là quan niệm của không ít sinh viên thời nay. Thế nên mới có chuyện nữ sinh "đốt nóng" giảng đường bởi những trang phục không sư phạm chút nào.
Cận cảnh "thời trang giảng đường"
Cách ví von: “Giản dị như sinh viên” giờ đã xưa như diễm. Nói ngược lại xem chừng hợp thời hơn: “Diện như sinh viên, điệu như sinh viên”. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những “người mẫu thời trang” trên giảng đường.
Chẳng cần phải đến các sàn diễn thời trang, các shop mỹ phẩm, trong vai những tư vấn viên thời trang và mỹ phẩm dạo quanh một số trường đại học trên địa bàn TPHCM, chúng tôi cũng kịp bắt gặp rất nhiều mốt thời trang “mới lạ, hấp dẫn”.
Điểm đến đầu tiên là trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn. Tại đây, chúng tôi gặp T.L, cô sinh viên năm nhất - Khoa Quan hệ Quốc tế. Trong kiểu dáng được đánh bóng từ đầu đến chân, cô vận bộ quần áo ống ngắn vừa mới sưu tập được trong một shop thời trang cao cấp.
Vẻ đẹp giảng đường không phải là việc khoe thời trang hay sành điệu (Ảnh minh họa)
Mái tóc được T.L tuốt từ màu vàng lỗi thời sang màu nâu hạt dẻ mà cô cho là thời thượng và giống nữ ca sỹ trẻ P.Q.A. Đến bộ móng tay, móng chân cũng mỗi thứ một màu xanh, đỏ, tím, vàng trông thật “lạ mắt”.
T.L thản nhiên cho biết: “Sáng nay đi thi nhưng đến muộn, nghỉ luôn khỏi thi vì có rớt cũng chỉ thế thôi”. Thời gian chính của T.L vẫn là đi “săn” các mốt thời trang mới lạ để có dịp “trình diễn” mỗi lần đến lớp.
“Hàng” được săn tìm không những là những bộ thời trang mới nhất, đắt tiền… mà còn là những thứ các ca sỹ, diễn viên thể hiện trong sô diễn nào đấy. Trong bước đi lả lướt với bộ thời trang có cái biệt danh đầy chất phim ảnh “Ngôi nhà hạnh phúc” - áo trễ cổ ngắn đến rốn, chêm cái áo cánh bên ngoài, váy ngắn mái tóc nhuộm vàng - T.T, SV khoa Triết - ĐHQG cho rằng: “Mặc theo sở thích và hợp thời trang là được còn mặc ở đâu không thành vấn đề”.
Tỏ ra không thua kém, N.H, Khoa Tài chính ngân hàng - ĐH Mở TPHCM, cũng bỏ phần lớn thời gian cho việc mua sắm những mẫu thời trang “tân tiến” nhất.
Trong chiếc áo ngắn cũn cỡn, hở trên hở dưới cùng cái quần chắp vá đủ chỗ, H. bật mí: “Thời gian mình đi shop nhiều lắm, mỗi lần đi cũng phải hết 5-6 xị (1 xị = 100 ngàn đồng).
“Kỷ luật thép” hay nhẹ nhàng nhắc nhở?
Những phong cách thể hiện ấy cứ vô tư phô diễn… trước những ánh mắt phản cảm của những sinh viên bên cạnh, và cả những ý kiến không hay về họ ví như lời phát biểu của một thầy giáo trong một cuộc họp: “Thầy hiệu trưởng nên đề nghị các sinh viên nữ ăn mặc đúng phong cách của sinh viên, chứ nhiều lần dạy học mà tôi không dám nhìn xuống”.
Cách đây vài năm, thầy K ở HV Báo chí và Tuyên truyền "khét tiếng" trong giới SV vì những thầy luôn thẳng tay "mời" những SV tới trường với trang phục và tóc tai không phù hợp ra khỏi lớp. Vì thế, khi đang học môn của thầy, tuyệt đối trong lớp không có "tóc xanh, tóc đỏ", nam SV tóc tai cũng được cắt ngắn gọn gàng chứ không còn lòa xòa như trước. Trên diễn đàn của SV Trường ĐH DL Thăng Long, có 1 topic rất sôi nổi bàn về trang phục tới lớp thế nào là đẹp. Bên cạnh quần bò, áo phông được đánh giá là thoải mái, tiện dụng nhất, nhiều SV tán đồng việc nữ sinh mặc váy tới trường. 90% SV “nói không với áo 2 dây, áo 3 lỗ và váy quá ngắn”. Một số phản đối mặc quần ngố, đi dép tông.
Hiện nay, đa số các trường đều không có quy chế cụ thể về trang phục học đường mà chỉ có quy định chung như “trang phục nghiêm túc, lịch sự”.
Ông Bùi Trung Thành, Chuyên viên Phòng Công tác Chính trị, HV Báo chí và Tuyên truyền, hàng ngày vẫn “đảo” qua tất cả các lớp trong trường để theo dõi kỷ luật của SV, cho biết thỉnh thoảng phải nhắc nhở khi SV mặc váy túm như bu gà, quần bò rách tả tơi hoặc đi đôi guốc đế kếp dày cộp cao lêu khêu chỉ chực ngã.
Theo ông Thành thì, sở dĩ có những trang phục kỳ cục như vậy là do SV thiếu kiến thức thẩm mỹ. Bên cạnh đó, do SV chạy theo “mốt” Hàn Quốc mà không thấy rằng trong phim Hàn, trang phục đi học và đi chơi hoàn toàn khác nhau. SV tới trường vẫn ăn mặc rất nghiêm chỉnh.
Một giáo viên Trường CĐ Du lịch bày tỏ: "Việc ăn mặc phụ thuộc vào ý thức và thẩm mỹ của SV. Kể cả khi SV ăn mặc hip hop thì cũng phải chấp nhận vì đó là xu thế thời đại và là quyền tự do cá nhân. Chỉ những SV nào ăn mặc quá hớ hênh hoặc kệch cỡm thì tôi mới nhắc nhở, chứ không phạt vì chưa có quy định.”
[IMG]
https://2img.net/h/i274.photobucket.com/albums/j...g20tang202.jpg[IMG]Ảnh minh họa
Nhiều giáo viên đồng tình rằng nếu ăn mặc quá lố thì bản thân SV chính là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở Nhật Bản đã từng có nhiều vụ lạm dụng tình dục do nữ sinh mặc váy quá ngắn tới trường.
Nguyễn Kiều Hưng, SV năm thứ 2 ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Không nên nói thẳng với SV đó là họ ăn mặc “lố lăng” vì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm”. Hưng đề xuất nên tổ chức những diễn đàn, thảo luận với chủ đề thế nào là mặc đẹp. Tổ chức những cuộc thi thanh lịch để nữ sinh thể hiện cái đẹp của mình. Đồng thời, thông qua các tiểu phẩm, video clip hài hước để ý nhị góp ý với những SV này.