Thông tin Việt Nam có 3 kỳ quan đứng đầu trong bảng danh sách "kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới" khiến cho mọi người Việt Nam phải tự hào... Thế nhưng, có nên "ăn mừng" sự kiện này quá sớm?
Thế giới có 7 kỳ quan thì Việt Nam hiện có 3 kỳ quan đang đứng đầu trong bảng danh sách "Bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới". Đó là núi Phanxipăng, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, và vịnh Hạ Long. Đây là cuộc bầu chọn qua internet do tổ chức New7Wonders (hay còn gọi là New Open World) khởi xướng kéo dài trong 4 năm (2007-2011).
Vịnh Hạ Long (trên) - Nguồn:
http://halongfriends.com; núi Phanxipăng - Nguồn: VNN.
Thông tin này trên một tờ báo vào hôm 23/2 đã khiến cho nhiều người Việt Nam không khỏi tự hào… Nguồn tin trên còn dẫn lời bà Tia Viering, Giám đốc Truyền thông của Tổ chức New7Wonders chúc mừng việc vịnh Hạ Long dẫn đầu bảng xếp hạng.
Nhà nhà bầu chọn kỳ quan thế giới
Trước đó, theo thông tin từ website Bộ Ngoại giao, ngày 7/7/2007, New Open World (một tổ chức phi chính phủ đặt tại Thụy Sĩ) đã khởi xướng một hoạt động quốc tế để bình chọn "Bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới". Cuộc vận động quốc tế này, dự kiến kết thúc vào năm 2010, gây được tiếng vang lớn, đã và đang thu hút sự hưởng ứng rộng rãi trên toàn thế giới. Rất nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc đề cử danh thắng, đồng thời kết hợp với tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch nước mình... Nội dung thông tin trên website của Bộ Ngoại giao cho biết
Trong thực tế, tại Việt Nam, một chiến dịch rầm rộ nhằm bình chọn qua internet bảy kỳ quan thiên nhiên dựa theo sáng kiến của tổ chức trên đã được nhiều cơ quan chức năng Nhà nước phát động vào tháng 8/2007. Kéo theo đó là nhiều cơ quan báo chí cùng vào cuộc để cổ vũ mọi người dân bình chọn.
Mười kỳ quan thế giới do New7Wonders tổ chức bầu chọn. 1.Ha Long Bay, Bay VIET NAM - Asia Vote; 2. Phong Nha - Ke Bang, National Park VIET NAM - Asia Vote; 3. Fansipan, Mountain VIET NAM - Asia Vote; 4.Cox’s Bazar, Beach BANGLADESH - Asia Vote; 5.Sundarbans, Forest BANGLADESH/ INDIA - Asia Vote; 6.Ganges, River BANGLADESH/ INDIA - Asia Vote; 7.Cocos Island, Island COSTA RICA - North America Vote; 8.Mount Everest, Mountain NEPAL - Asia Vote; 9.Amazon River, River/Forest BOLIVIA/ BRAZIL/ COLOMBIA/ ECUADOR/ PERU/ VENEZUELA - South America Vote; 10.Lake Atitlan, Lake GUATEMALA - North America Vote (Nguồn:
http://www.new7wonders.com/ nature/en/liveranking/)
Chỉ cần vào Google với từ khoá “bầu chọn Hạ Long”, có thể dễ dàng tìm thấy những 14.400 trang web đưa tin về cuộc vận động này
Nhiều tờ báo đã hăng hái hưởng ứng và hướng dẫn mọi người vào website
www.natural7wonders.com hoặc
www.new7wonders.com của tổ chức này để tham gia bình chọn cho kỳ quan của VN.
Một thứ trưởng đã vào trang web
www.natural7wonders.com và tự tay bầu chọn vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới. Một công ty máy tính đã trao tặng 10 máy tính xách tay để đặt tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và TP.Hạ Long nhằm để du khách có thể bầu chọn trực tiếp.
Nhiều website đã được lập để dẫn tới website của New7Wonders và hướng dẫn mọi người bầu chọn trên website của New7Wonders. Một ca sĩ nổi tiếng đã hăng hái cho biết, sẽ đưa chương trình vận động bầu chọn Việt Nam lên website của mình cũng như kêu gọi các fan trong nước và hải ngoại chung tay bầu chọn cho Việt Nam.
Có người còn nêu sáng kiến, các báo cần hướng dẫn mọi người cặn kẽ, kể cả cách thức uỷ quyền nhằm để cho những người không biết sử dụng internet cũng có thể bầu chọn được. Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM thì cam kết sẽ có ít nhất 1 triệu chữ ký cho Việt Nam vì Sở sẽ phát động cho 1,5 triệu học sinh ở TP tham gia bầu chọn. Đó là chưa kể các em học sinh cũng sẽ vận động phụ huynh, hàng xóm của mình bầu chọn.
Ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam du học tại Nhật Bản kêu gọi sinh viên, thanh niên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản và bạn bè quốc tế tham gia bầu chọn cho vịnh Hạ Long trên website của New7Wonders cũng như các website trong nước được lập ra để phục vụ cho việc bầu chọn kỳ quan này.
Hẳn mục tiêu tôn vinh một di sản thiên nhiên của Việt Nam với bạn bè quốc tế là một điều cần thiết và nên làm, thế nhưng… liệu có nên “ăn mừng” về sự kiện này?
Đứng đầu 3/7 kỳ quan nhưng... ai công nhận?
Trong một thông cáo báo chí ra ngày 9/7/2007 và được đăng tải tại địa chỉ
http://whc.unesco.org/en/news/352, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc, UNESCO nêu rõ là không có bất cứ một mối liên hệ nào giữa chương trình Di sản Thế giới của UNESCO (UNESCO’s World Heritage), với “7 Kỳ quan Thế giới Mới - The New 7 Wonders of the World".
Theo UNESCO, kết quả từ hoạt động “7 Kỳ quan Thế giới Mới” hoàn toàn mang tính riêng tư, chỉ phản ánh ý kiến của một công đồng cư dân sử dụng mạng internet chứ không phải là toàn bộ thế giới.
Thật vậy, tra trên website của New7Wonders, người ta chỉ được biết hoạt động bầu chọn 7 kỳ quan thế giới mới là Tổ chức 7 Kỳ quan Thế giới Mới - The New7Wonders Foundation. Tổ chức này được lập ra vào năm 2001 do một nhà làm phim Canada gốc Thuỵ Sĩ, tác giả kịch bản và là một nhà thám hiểm - Bernard Weber đứng ra lập. Trụ sở chính được đặt tại Viện Bảo tàng Heidi-Weber, Zurich – Thuỵ Sĩ.
Lý do nào để New7Wonders tổ chức bình chọn các kỳ quan thế giới mới? Theo như website của New7Wonders cho biết, đó là vì “các kỳ quan cổ đại nổi tiếng đã thuộc về những người cổ đại. Ngoại trừ Kim Tự Tháp, chẳng còn kỳ quan nào tồn tại...”. Chính vì vậy, New7Wonders phải tổ chức một cuộc bình chọn qua mạng internet để xác định lại các kỳ quan của thế giới... và rồi để làm gì? Cũng thông tin chính thức từ website của tổ chức New7Wonders thì, 50% lợi nhuận chung cuộc từ dự án “7 Kỳ quan Thế giới Mới - New7Wonders” sẽ được sử dụng để tài trợ cho các bộ phim tài liệu về di tích và hỗ trợ công tác bảo tồn.
Ngoài việc khẳng định, UNESCO không có bất kỳ mối liên hệ nào với New7Wonders, người phát ngôn UNESCO còn cho rằng, ở cả hai khía cạnh ý nghĩa lẫn bền vững, sáng kiến này không thể đóng góp vào việc bảo tồn các di sản sau khi đã được bầu chọn. Theo UNESCO, nếu đánh giá bằng cảm tính hay giá trị biểu trưng của các danh thắng là hoàn toàn chưa đủ mà phải được đánh giá bằng các tiêu chuẩn khoa học được vạch ra rõ ràng.
Những thông tin trên cho thấy, việc bầu chọn kỳ quan thế giới cũng góp phần quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam. Tuy nhiên, việc bầu chọn đó chưa phải là yếu tố quyết định cho núi Phanxipăng, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, và vịnh Hạ Long như một kỳ quan thế giới theo yêu cầu của UNESCO.